TIỂU SỬ CỤ NGUYỄN BÁ LOAN

Lượt xem:

Đọc bài viết

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ NHÀ CHÍ SĨ YÊU NƯỚC NGUYỄN BÁ LOAN

       Nguyễn Bá Loan sinh năm Đinh Tỵ (1857) tại thôn Lạc Phố, tổng Lại Đức, phủ Mộ Đức nay là xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.Thân phụ ông là Nguyễn Bá Nghi (1807-1871) đổ Phó bảng khoa Hội năm Nhâm Thìn(1832) – là Đại khoa của đất Quảng Ngãi thời bấy giờ, làm quan qua ba đời Vua Minh Mạng- Thiệu Trị- Tự Đức . Thân mẫu ông là bà Chánh thất Trương Thị Liễu Tề, con gái nhà họ Trương ở Mỹ Khê (Sơn Tịnh), thuộc nhà danh gia vọng tộc. Dù con của một Đại thần, nhưng Nguyễn Bá Loan không chọn con đường khoa cử mà ông chọn con đường đấu tranh cứu nước, cứu dân:

– Ông đã tham gia đấu tranh vũ trang dưới ngọn cờ khởi nghĩa Cần Vương do Lê Trung Đình lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa do Lê Trung Đình bị đàn áp khốc liệt, Nguyễn Bá Loan lại trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang (1885-1888): đánh chiếm phủ lỵ và giải phóng toàn bộ Bình Sơn, đánh chiếm đồn Lão Thuộc (tháng 12/1985), trận đánh chiếm thành Quảng Ngãi (tháng 2/1886), trận đánh có nghĩa quân ba tỉnh (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) phối hợp (tháng 8/1886), mà sau nầy gọi các cuộc khởi nghĩa là “Khởi nghĩa Nguyễn Bá Loan” .

– Cuộc đấu tranh vũ trang của Nguyễn Bá Loan bị đàn áp khốc liệt, phong trào cứu nước bằng vũ trang dưới ngọn cờ Cần Vương do Nguyễn Bá Loan lãnh đạo tạm dừng ở đây. Ông đã đi vào Nam Kỳ để liên hệ với các chí sĩ yêu nước tìm phương kế cứu nước (1889-1904).

– Năm 1904 ông xây dựng phong trào “ khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, lãnh đạo phong trào Duy Tân và cùng nhân dân chống xâu, thuế. Cuộc đấu tranh của quần chúng đòi giảm xâu, giảm thuế đã bị kẻ thù dùng chính sách tàn sát, khủng bố đẩm máu làm cho kiệt sức, suy yếu dần và chấm dứt vào ngày 17/4/1908. Nguyễn Bá Loan cùng các nhà cách mạng khác là Lê Tựu Khiết, Trần Chót, Nguyễn Đến đã bị bắt và bị tử hình vào ngày 24/4/1908. Ra pháp trường, Nguyễn Bá Loan vẫn hiên ngang, bất khuất đúng như lời ông nói ngay từ ngày đầu bước vào con đường chiến đấu hy sinh :

“ Quất ngựa, vung gươm, trừ bạo tặc

Anh hùng trải mật cứu giang sơn ”

. Thi hài ông được đưa về núi An Đại (xã Nghĩa Phương, Tư Nghĩa) tẩm liệm chờ 3 ngày sau lấy được đầu mang về tẩm liệm lại và mai táng chu đáo ở tại đây. Năm 1945, ông Nguyễn Công Phương là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Quảng Ngãi cho chuyển hài cốt về an táng tại thôn Tình Phú, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

      Từ khi Nguyễn Bá Loan hy sinh đến nay đã 103 năm. Đất nước và Quảng Ngãi quê hương ông đã trải qua nhiều biến đổi. Năm 1945 nhân dân Mộ Đức trân trọng lấy tên ông đặt tên cho huyện mình và năm 1995, với nguyện vọng thiết tha của nhân dân xã Đức Nhuận, trường THCS ở xã nhà được vinh dự mang tên “ TRƯỜNG THCS NGUYỄN BÁ LOAN”.

                    (Dựa theo Nguyễn Bá Loan cuộc đời và sự nghiệp cứu nước

                         của Trần Văn Thận – Nhà XB Chính trị QG, tháng 9/1999)